Trong văn chương, ngoài những bài biên khảo, bình luận, xã luận khá dài về một vấn đề, một đề tài nào đó; và ngoài các tiểu thuyết, truyện dài với vô số sự kiện, nhân vật, hoàn cảnh,… ; ta cũng thường bắt gặp nhiều bài ngắn, khá ngắn, viết rất đơn sơ nhưng nội dung lại phong phú, ý tình tác giả được phơi bày khá sâu sắc mà với cái nhìn thoáng qua, ta không bắt được cái ‘cốt tủy’ tiềm ẩn trong đó, đôi khi ta còn nghĩ rằng đấy là những bài viết tầm phào, viết cho vui, viết giải trí cho qua thời gian. Tập ‘Thà như giòng nước chảy’, theo người viết thuộc loại nầy. Nhưng Trúc Giang không viết cho vui, không viết lấy có, không viết để ‘được là nhà văn’, để mong được văn đàn đón nhận. Trúc Giang đã viết với tất cả lắng đọng của tâm tình qua dòng đời ‘oan nghiệt’ từ lúc còn ở quê hương đến ngày qua xứ Đức, mượn qua Internet để trang trải ý tình mình. Thế giới Internet là thế giới ảo, những nickname trên Internet cũng là những người ‘ảo’, ảo trên màn hình nhưng không ảo nơi tâm tư tác giả. Trúc Giang mượn những cái ‘ảo’ đó để sống thật với mình, để trang trải mọi ưu tư, phiền muộn, mọi rung động của tâm tư, thần trí về mình, về người, về đời, về đất nước, quê hương. ‘Ảo’ mà trở thành ‘thật’ như cái tên của một người gắn liền vói cấu trúc xác thân người đó. Điều nầy, Trúc Giang đã nói rõ nơi bài ‘An phận hay dũng cảm đối diện cuộc sống’ viết cho người bạn ảo Bến Xưa trên Net.