Nhạc Phan Văn Hưng

PhanVanHungPhạm Anh Dũng

Phan Văn Hưng là một tên tuổi mới lạ trong làng âm nhạc Việt Nam, tuy anh đã hoạt động từ lâu. Anh Hưng, sinh năm 1950 tại Hà Nội, 1954 vào Nam, xa rời đất mẹ Việt Nam từ 1968.

Anh du học và tốt nghiệp về Kỹ Sư Hầm Mỏ và Cơ Khí ở Pháp. Trước khi rời Pháp để định cư tại Úc, Phan Văn Hưng đã sinh hoạt với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Trong suốt 10 năm sinh sống ở Pháp, ngoài những sáng tác và trình diễn âm nhạc, anh còn là sáng lập viên của “Văn Đoàn Lam Sơn” và của tờ báo “Nhân Bản”, một trong những tờ báo Việt ngữ phổ biến rộng rãi ở Âu Châu.

Nhạc Phan Văn Hưng là một nét chấm phá khác thường, chưa thấy bao giờ trong âm nhạc Việt Nam.

Tiếp tục đọc

Phan Văn Hưng: Dòng nhạc chứa đựng trái tim

PhanVanHungTrân Hương/Viễn Đông

Tựa đề cho buổi nhạc của Phan Văn Hưng tại miền Nam California: Dòng Nhạc và Cây Đàn. Trong một bài viết trước đây, Trịnh Thanh Thủy có đề nghị đặt tên cho dòng nhạc của Phan Văn Hưng là Bi Phẫn Ca. Nhưng Phan Văn Hưng chưa bao giờ đặt tên cho nhạc của mình cả.

Anh chỉ nói giản dị trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.”

Tiếp tục đọc

Phan Văn Hưng và Bi Phẫn Ca

Trịnh Thanh Thủy

Người nghệ sĩ cúi xuống trên mười ngón tay nhả những thanh âm phừng phừng rực lửa.

Khuôn mặt anh chứa chan cảm xúc, rập rờn âm điệu. Thính giác khán giả căng, dãn, đàn hồi, nhảy múa theo hấp lực của từng làn điệu, lời ca. Những ca từ hiện thực, tả chân cuộc sống con người đang ở đáy địa ngục. Những truyện ca có thật tạo năng lực cấu nhoi nhói tim đỏ người nghe. Nếu mỗi người là một cá nhân khác biệt có nhiều điểm khó hoà hợp, thì phút giây hiện tại này, mức đồng cảm giữa người và người ở khán giả đang lên cao nhất. Mọi vật rơi vào thể tĩnh của bất động ngoại trừ anh. Những đôi mắt không kịp nháy, tụ hội về vóc hình người đàn ông có dáng dấp thư sinh. Thế rồi bất chợt họ hiểu ra bài hát đã đến hồi dứt. Tiếng chuyển động rào rào của những bàn tay vỗ nhất loạt oà lên bao vây lấy hội trường, phủ lấp hình hài nhỏ bé của người đàn ông đang ngồi ôm đàn ấy.

Tiếp tục đọc

Đi nghe Phan Văn Hưng hát

PhanVanHungKiều Mỹ Duyên

” Thật là hiện tượng Phan Văn Hưng…” Ông Nguyễn Xuân Cung, sinh viên du học thập niên 60 ở Hoa Kỳ nói như trên, người vợ dễ thương ngồi bên cạnh gật đầu đồng ý với chồng.

Mọi người im phăng phắc theo từng tiếng hát, tiếng đàn của Phan Văn Hưng trên sân khấu. Phan Văn Hưng vừa đàn vừa hát, khuôn mặt người nhạc sĩ chìm đắm trong say sưa đam mê. Nếu có quả bom nổ ngay tại hội trường chắc Phan Văn Hưng vẫn đàn hát và thính giả vẫn tiếp tục nghe. Người hát và người nghe cùng một nhịp điệu, tha thiết, say sưa, quên cả trời đất.

Hôm nay là ngày 27 tháng 11 năm 2002 đoàn thanh niên Phan Bội Châu và Tổng Hội sinh viên Việt Nam, Nam Cali tổ chức tiệc gây quỹ tại nhà hàng Paracel Seafood chuẩn bị Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới kỳ III tại Hoa Kỳ. Đại hội lần đầu ở Úc năm 1999, lần thứ nhì năm 2001 tại Pháp. Lần sắp tới tại Hoa Kỳ từ ngày 11-16 tháng 7 năm 2003 với chủ đề Con đường Nhân Bản, đem tâm thức vào hành động. (Road to Humanity, Actions from the Heart & Mind)

Tiếp tục đọc

Nghệ sĩ Asia & SBTN tưởng nhớ Nhạc sĩ Việt Dzũng

Kính mời quý vị coi chương trình đặc biệt do các anh chị em nghệ sĩ thực hiện để tâm tình và nhắc lại những kỷ niệm đẹp về anh Việt Dzũng, một trong những con chim đầu đàn của SBTN và Asia. Đây là một mất mát lớn lao của chúng tôi và chúng tôi cám ơn tất cả quý khán thính giả gần xa đã cùng chia sẻ nỗi đau này.


Tiếp tục đọc

Phân tích các Phong trào Văn nghệ Tranh đấu tại miền Nam từ 1965 đến 1969: Phần 1 – Phong trào Tâm ca

NeverForgetLê Trương

Vào năm 1965, cuộc diện chiến tranh Việt Nam thay đổi đột ngột. Lính ngoại quốc bắt đầu đổ bộ lên Việt Nam, không lực Hoa kỳ khởi sự trút bom xuống miền Bắc. Giữa lúc đó tại các đô thị miền Nam, một phong trào văn nghệ xuất hiện, lôi cuốn các giới trí thức, già trẻ một cách mãnh liệt. Đâu đâu cũng nghe người ta hát TÂM CA; hết đoàn thể này đến đoàn thể khác liên tục tổ chức những chương trình Tâm Ca.

Mọi người say mê thở không khí Tâm Ca, dù là người Phật giáo, người Công giáo, dù là người chống hay không chống chế độ Bắc Việt. Rồi qua những cuộc tranh đấu, Tâm Ca trở thành một phong trào bao trùm nhiều giới quần chúng. Chúng tôi gọi đó là phong trào TÂM CA PHẢN CHIẾN, chữ phản chiến hiểu theo nghĩa không muốn chiến tranh, cho dù là loại chiến tranh nào. Dựa vào hoàn cảnh lịch sử, dựa vào thái độ của người nghe, người hát cũng như dựa vào âm nhạc và lời ca, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của phong trào văn nghệ này như thế nào. Tiếp tục đọc

Phân tích các Phong trào Văn nghệ Tranh đấu tại miền Nam từ 1965 đến 1969: Phần 2 – Phong trào Da Vàng ca

Trịnh Công Sơn

Lê Trương

Vào năm 1966, cuộc chiến Việt Nam trở nên dữ dội hơn. Bom đạn trút xuống quê hương càng ngày càng nhiều, lính ngoại quốc đổ bộ lên đất nước càng ngày càng đông. Những phong trào tranh đấu ở các đô thị bị đàn áp tơi bời. Biến cố miền Trung được mang tên là “một cuộc nội chiến trong một cuộc nội chiến”: Máy bay, xe thiết giáp, lính thiện chiến của chính quyền trung ương Sàigòn tấn công các thành phố Huế, Đà nẵng.

Giữa lúc đó, cũng chính từ miền Trung, có một chàng lãng tử gầy ốm với vầng trán rộng và nụ cười héo hắt đã mang vào Nam hai bài ca nghe rất buồn thảm: bài Người già em bé và bài Ca dao mẹ. Một đám người tới với chàng, họ ngồi dưới đất, trong bóng tối và hát tuyệt vọng như những người nô lệ da đen đêm đêm ngồi than khóc phận mình. Từ đó, tiếng hát lan ra khắp các đô thị, tới đâu nó cũng đi sâu vào lòng người, làm rung lên như một dây đàn từ lâu chờ người gảy. Phong trào càng ngày càng dâng lên cao, nhất là sau biến cố Mậu Thân để rồi không có một sức mạnh nào ngăn cản nổi nữa. Chúng tôi gọi đó là phong trào DA VÀNG CA.

Tiếp tục đọc

Phân tích các Phong trào Văn nghệ Tranh đấu tại miền Nam từ 1965 đến 1969: Phần 3 – Phong trào Dân ca

LyChieuHoangLê Trương

Năm 1966 dân ca bộc phát thành một phong trào. Bỗng nhiên giới thanh niên đô thị hướng về dân ca, sưu tầm dân ca, đem dân ca vào tập thể như đem một luồng gió mới. Tất cả những buổi văn nghệ cũng như những sinh hoạt khác đều có dân ca. Ai không biết một câu quan họ Bắc Ninh hay một điệu lý miền Nam là có thể bị chê ngay là xa cách đời sống dân tộc, không biết gì về dân tộc.

Trong những bài dân ca thịnh hành, chúng ta có thể kể đến: Lý ngựa ô, Lý con sáo, Xe chỉ luồn kim, Hát hội trăng rằm, Cây trúc xinh, Qua cầu gió bay v.v…Thanh niên đô thị đua nhau hát những bài đó, tiếng ca của họ là tiếng ca Việt Nam thuần tuý, không thể nhầm lẫn với nhạc Pháp, nhạc Mỹ hay nhạc Việt lai căng. Ngoài dân ca, còn có dân nhạc và dân vũ. Họ rất thích thú và hãnh diện khi được nghe dân nhạc Việt Nam, điển hình là buổi trình diễn dân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba tại trường Đại học Khoa học.

Tiếp tục đọc

Phân tích các Phong trào Văn nghệ Tranh đấu tại miền Nam từ 1965 đến 1969: Phần 4 – Phong trào Sử ca, Kháng chiến ca

trieutrinhnuongLê Trương

Trong một giai đoạn mà người ta không được nói thẳng cái cảm nghĩ hay thái độ của mình thì họ tìm cách nói gián tiếp, nhưng khi nghe thì ai cũng hiểu được ý muốn của họ. Đó là lý do xuất hiện của Phong trào Sử Ca, Kháng Chiến Ca.

Những bài sử ca như Khúc khải hoàn, Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang, Thăng Long hành khúc, Gò Đống Đa v.v… là những bài gián tiếp chống thực dân trước đây. Đó là những bài dành cho quần chúng đô thị trong cuộc tranh đấu khéo léo, tế nhị. Những bài Kháng chiến ca như Lên đàng, Du kích sông Thao, Tiếng hát sông Lô, An phú đông, Nhạc tuổi xanh, Đường về quê v.v…là những bài dành cho cuộc tranh đấu trực tiếp chống lại thực dân Pháp vừa qua. Cả hai loại nhạc này nay lại được sinh viên học sinh Sài gòn phục sinh thành một phong trào khá rầm rộ nhằm tạo một cuộc tranh đấu gián tiếp tại các đô thị. Chúng tôi gọi đó là phong trào Sử ca, Kháng chiến ca. Tiếp tục đọc

Phân tích các Phong trào Văn nghệ Tranh đấu tại miền Nam từ 1965 đến 1969: Phần 5 – Phong trào Tranh đấu ca

Lê Trương

Đêm 27.9.1968 là đêm hội thảo của Sinh viên Học sinh Sài gòn về chiến tranh Việt Nam. Trụ sở Sinh viên Sài gòn trở nên rộn rịp lạ thường. Họ tập trung đông đảo quanh ngọn lửa hồng. Lửa rực sáng và những người con yêu dân tộc bắt đầu thay phiên nhau bằng giọng nói đanh thép, hùng hồn tấn công những âm mưu chiến tranh diệt chủng và cơ cấu thối nát của chế độ. Những khẩu hiệu được bung ra trong những cánh tay rắn chắt. Sau đó tiếng hát trổi dậy. Họ hát Sử ca, Kháng chiến ca.

Nhưng cũng vào đêm hôm đó, một bài ca mới xuất hiện, một bài ca rất nhẹ nhàng nhưng nghe lại vô cùng chua chát, một bài ca làm rung động dư luận trong và ngoài nước với những lời như sau:

Tiếp tục đọc