Tựa đề cho buổi nhạc của Phan Văn Hưng tại miền Nam California: Dòng Nhạc và Cây Đàn. Trong một bài viết trước đây, Trịnh Thanh Thủy có đề nghị đặt tên cho dòng nhạc của Phan Văn Hưng là Bi Phẫn Ca. Nhưng Phan Văn Hưng chưa bao giờ đặt tên cho nhạc của mình cả.
Anh chỉ nói giản dị trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.”
Và anh đã đến với thính giả miền Nam California ngày 12 tháng 10, 2008, cũng bằng một phong cách rất giản dị: một trung niên trong bộ quần áo thường ngày, ngồi ôm đàn trước chiếc microphone trên một sân khấu chỉ trang trí bằng hai bình hoa. Anh nói:
-Tôi không muốn ngồi trên sân khấu còn thính giả ngồi dưới kia đâu. Ngăn cách quá. Chỗ tôi muốn ngồi là ngay giữa các bạn kìa. Để giữa chúng ta không có gì ngăn chia giữa người hát và người nghe mà là chúng ta cùng nói và cùng hát với nhau.
PVHung_KhanGia_9973.jpgPhòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông chỉ chứa được khoảng hơn 200 người nhưng hôm nay đông nghịt người đứng người ngồi, có cả những cái đầu chỉ có thể ló vô từ cửa để theo dõi. Chắc không thể có chỗ cho Phan Văn Hưng “ngồi ngay giữa” thính giả được. Anh phải ngồi trên sân khấu để đàn, hát mấy chục bài ca viết từ hơn 30 năm qua, gần như tất cả là để khóc cho một quê hương phân hóa và đang bị mất đất, cho thân phận những trẻ em khốn khổ, cho những con người bị áp bức và chà đạp. Có một số bài hùng ca nhưng hùng ca của Phan Văn Hưng cũng không có nét nhạc mạnh bạo thôi thúc mà là những tiếng nói cương quyết xác nhận một niềm tin vào tương lai dân tộc.
Anh mở đầu bằng ca khúc “Trái Tim Tôi Là Bến” phổ từ thơ Bắc Phong, viết cách đây đã lâu. “Trái Tim Tôi Là Bến” nói lên tâm tình của một kẻ dấn thân, muốn mọi người coi mình như một phương tiện để tranh đấu, một bờ bến để nương tựa. Một ước muốn thật cảm động. Anh tiếp tục bằng một loạt những ca khúc “signature” của anh.
“Thằng Bé Tát Dầu”, kể chuyện cái chết tức tưởi của một thằng bé con phải đi vớt dầu loang trên mặt sông từ những chiếc tầu lớn để mưu sinh. Thân phận của trẻ con Việt Nam, và rất nhiều trẻ con các nước chiến tranh nghèo đói khác trên trái đất nữa, vẫn là tấm gương để cả thế giới soi chung và nhận ra khuôn mặt lem luốc của mình. Một ca khúc khác cũng về thân phận trẻ em là “Bài Ca Cho Bé Thảo” kể chuyện một em bé bị té nặng đến hôn mê và sau đó chết vì cha mẹ không có tiền mua thuốc, sau đó cũng không có tiền mua áo quan cho em mà phải phá chiếc bàn ra đóng cỗ áo quan. Phan Văn Hưng và Nam Dao vẽ ra hình ảnh người cha chở chiếc áo quan sau xe, người mẹ đi theo vịn để áo quan khỏi đổ xuống, tất cả đi trong một chiều mưa tầm tã về chốn nghĩa trang.
Phan Văn Hưng và vợ anh là Nam Dao còn viết nhiều nữa những ca khúc có nhân vật chính là những em bé bất hạnh của quê hương: “Em Bé Lên Sáu Tuổi”, “Em Bé Và Viên Sỏi”, “Con Bé Nhà Quê”…. Nhưng trong buổi nhạc hôm nay, có hai ca khúc viết về thân phận chung của tuổi trẻ Việt Nam mà theo tôi, nói lên được thảm trạng của dân tộc, một thảm trạng bị nhà cầm quyền bưng bít, ngó lơ hằng mấy chục năm qua và không biết đến bao giờ. Đó là “Sinh Ra Làm Người Việt Nam” và “Những Đứa Bé”.
Hãy nghe Phan Văn Hưng hát “Sinh Ra Làm Người Việt Nam”, viết từ những lời tâm sự của một người trẻ liên lạc với anh qua e mail.
Em sinh ra em làm người Việt Nam trong gian ngõ tối không nước không đèn
Vòng tay âu yếm của mẹ sầu thương.
Em sinh ra học tập siêng năng nhưng hai tay trắng buông xuôi phận hèn. Làm sao em biết tương lai nào hơn. Đôi tay thừa dư, đôi tay bần cùng…
Em sinh ra em ở chợ Nghệ An. Em buôn thuốc trắng ai hay bên đường. Đời trong xó rãnh đã quên tình thương…
Em sinh ra em làm người Việt Nam. Và sinh ra trong cuộc lầm than. Sinh ra trong đời bấp bênh gian truân vô vọng…
Sinh Ra Lam Nguoi Viet Nam – Phan Van Hung
Và nghe Trịnh Thanh Thủy hát bài “Những Đứa Bé”:
Những đứa bé không chiếu chăn / Nằm lây lất giữa hè phố
Nằm chui rúc nơi những xó tối tăm, rác rưởi.
Những đứa bé trong quán bia / Em đón khách nơi phồn hoa, em có khóc cho tuổi thơ trôi xa…
…………………………………………………..
Những đứa bé không cánh tay / Những đôi mắt không còn thấy
Đời em giam trong ngõ tối / Hắt hiu, lụt lội
Những đứa bé đi bán rong / Đạp xe mướn hay lượm rác
đi gánh nước hay đổ đất / nuôi em
…………………………………………………….
Một ngày về trên quê hương
Tôi muốn nấc lên đau thương. Tôi muốn khóc cho tủi hờn / Tôi muốn ôm em vào lòng
Từng cuộc đời trôi qua đây. Tôi muốn hát em lời này / Lời vô nghĩa cho từng kiếp đọa đầy…
Và dĩ nhiên là Phan Văn Hưng và Nam Dao viết rất nhiều ca khúc về quê hương nói chung và những con người Việt Nam khốn khổ bị áp bức, nói riêng:
“Ải Nam Quan” nói lên niềm đau bị mất đất, phần đất mà ông cha ta đã xây dựng và gìn giữ bao năm.
“Bài Thơ Ngỗ Nghịch” phổ thơ Bùi Minh Quốc, một nhà thơ phải nghỉ viết, về nhà trông con nấu bếp chỉ vì không muốn uốn cong ngòi bút.
“Khát” phổ thơ Thanh Thảo, nói lên khát vọng tự do, dân chủ, công bình, chân lý.
“Ai Về Xứ Việt” phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh, về những người đang ở tù cho công lý, tự do, dân chủ.
“Hai Mươi Năm” nói lên thực trạng quê hương sau hai mươi năm “giải phóng”.
“Bạn Bè Của Tôi” nói lên tình trạng bế tắc, vô lý của một thời đại nhiễu nhương
Và nhiều nữa…
Nếu chỉ nghe toàn những bài “bi phẫn ca” nói trên, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy rất nản chí, rất “depressed”. Nhưng Phan Văn Hưng còn có những bài hát vực dậy niềm tin như “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Việt Nam Vinh Quang”, “Cái Trống Đồng”; như “Dìu Nhau” đưa nhau về những xóm nghèo để cùng dựng lại niềm tin.
PVHung_KyTangSach_9924.jpgNhạc Phan Văn Hưng là như thế, xoáy vào lòng người. Cộng thêm giọng hát mạnh mẽ, quyết liệt và tiếng đàn đệm theo kiểu “folk” rất rộn ràng của anh, người nghe càng cảm nhận rõ ràng những thông điệp mà anh nhắn gửi. Thính giả nghe nhạc yêu mến anh vì những thông điệp này đã thay họ nói lên tâm tình của chính họ.
Hôm nay, chứng kiến những tấm lòng thương mến của mọi người chung quanh Phan Văn Hưng, tôi cảm thấy ấm áp. Những anh chị trong phong trào Trần Quốc Toản từ San Jose xuống phụ trách mọi việc bên ngoài như điều chỉnh âm thanh, treo biểu ngữ, bán sách và dĩa nhạc Phan Văn Hưng. MC Mỹ Linh đã bay từ San Jose xuống , ở vài tiếng làm MC rồi lại bay về ngay vì còn con nhỏ ở nhà. Những anh chị thân hữu ngay tại Little Saigon đã giúp việc tổ chức, kê bàn ghế, quảng bá chương trình, nhận tin nhắn, trả lời câu hỏi. Nhìn cách các anh chị lo lắng, “bảo vệ” anh Phan Văn Hưng mà cảm động. Cô Bích Ngọc kể lại những mẩu đối thoại cảm động của những “fans”, những người gồm đủ mọi lứa tuổi và thành phần. Ngạc nhiên thay có rất nhiều những “bà già” tuổi cao nhưng vẫn mê nhạc Phan Văn Hưng một cách nhiệt thành. Rất nhiều sách nhạc và dĩa của anh đã được mua hết.
Điều này chứng tỏ đám đông thầm lặng đã ghi nhận hết những gì đã và đang xẩy ra trên quê hương chúng ta. Một ngày nào đó, nhà cầm quyền sẽ phải trả lời cho những thảm cảnh Việt Nam tả trong nhạc Phan Văn Hưng. Lý nhân quả rồi sẽ được hiển bày vậy.
Vien Dong Daily News