” Thật là hiện tượng Phan Văn Hưng…” Ông Nguyễn Xuân Cung, sinh viên du học thập niên 60 ở Hoa Kỳ nói như trên, người vợ dễ thương ngồi bên cạnh gật đầu đồng ý với chồng.
Mọi người im phăng phắc theo từng tiếng hát, tiếng đàn của Phan Văn Hưng trên sân khấu. Phan Văn Hưng vừa đàn vừa hát, khuôn mặt người nhạc sĩ chìm đắm trong say sưa đam mê. Nếu có quả bom nổ ngay tại hội trường chắc Phan Văn Hưng vẫn đàn hát và thính giả vẫn tiếp tục nghe. Người hát và người nghe cùng một nhịp điệu, tha thiết, say sưa, quên cả trời đất.
Hôm nay là ngày 27 tháng 11 năm 2002 đoàn thanh niên Phan Bội Châu và Tổng Hội sinh viên Việt Nam, Nam Cali tổ chức tiệc gây quỹ tại nhà hàng Paracel Seafood chuẩn bị Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới kỳ III tại Hoa Kỳ. Đại hội lần đầu ở Úc năm 1999, lần thứ nhì năm 2001 tại Pháp. Lần sắp tới tại Hoa Kỳ từ ngày 11-16 tháng 7 năm 2003 với chủ đề Con đường Nhân Bản, đem tâm thức vào hành động. (Road to Humanity, Actions from the Heart & Mind)
Quan khách bước vào cửa đã thấy nhạc mới nhất của Phan Văn Hưng, người mua 5, 3 đĩa, có người lấy cả chục đĩa. Có người sợ mua nhiều quá bị nghi ngờ mua về bán lại, vì hiện nay không trung tâm nhạc nào có nhạc Phan Văn Hưng. Thật ra nhạc của anh quả thật rất hiếm hoi: mấy chục năm sáng tác chỉ có 4 đĩa mà thôi. Người nhạc sĩ nhiều lần trả lời câu hỏi của các nhà báo: Làm nhạc xong tặng cho Tổng Hội Sinh Viên Úc gây quỹ hoạt động.
Đoàn thanh niên Phan bội Châu và Tổng Hội Sinh Viên miền Nam Cali mở tiệc gây quỹ nhưng không chú trọng dồn hết nỗ lực kiếm tiền, chỉ bán vé $25 mỗi người, không bán vé số, không đấu giá tranh ảnh, tất cả thì giờ dành cho khán thính giả nghe nhạc Phan Văn Hưng, chỉ một mình anh ôm đàn ngồi hát. Hưng hát Ai về xứ Việt, phổ thơ của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, bài này phổ biến rộng rãi ở Âu Châu năm 1975, làm nhiều người rơi lệ. Anh kể vừa đi hát ở Tây Đức, Đông Đức, Đan Mạch, Na Uy… và sang Hoa Kỳ.
Vừa đến Hoa Kỳ là đến sân khấu hát ngay, hình như trời phú ở người nhạc sĩ sức khỏe dồi dào với đam mê âm nhạc cực kỳ. Hưng cho biết hồi nhỏ học đàn bằng cách mò mẫm từng nốt nhạc, để cây đàn lộn ngược nhưng rồi sự kiên nhẫn cũng đến chung cuộc.
Anh kể năm 1999 hơn 500 người trẻ tụ tập ở Melbourne Úc Châu, rồi năm 2001 ở Paris. Thành phố nhỏ bé Adelaide có 15 thanh niên dự Đại hội, khi trở về hăng say, tích cực làm việc trong cộng đồng. Sau lần họp thứ nhất, Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường ra đời, nối chặt tình thân hữu của những người trẻ khắp năm châu bốn biển, với khối óc, tấm lòng và giấc mơ bắt tay nhau làm việc.
Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên miền Nam Cali, Nguyễn Phú nói rất ít, chỉ vài lời cám ơn quan khách và chiếu phim dương bản sinh hoạt giới trẻ dự đại hội năm 2001 ở Paris. Cô Trần Thiện Tâm đại diện Đoàn thanh niên Phan Bội Châu nói lên nỗi khát vọng của giới trẻ và lý do tổ chức đại hội năm 2003 ở Hoa Kỳ. ” Giấc mơ của mọi người Việt Nam là chấm dứt nghèo nàn, bất công trên quê hương và dựng lại một nước Việt thái hòa – người dân tự do, có cơ hội như nhau để thăng tiến và mưu cầu hạnh phúc. Xã hội Việt Nam trong tương lai phải là một xã hội nhân bản – con người đối xử với nhau trong tình yêu thương nhân ái.” ” Nguyện vọng của tuổi trẻ Việt Nam là cùng nhau xây dựng lại niềm tim và tự hào dân tộc. Đó lá khát vọng của những con chim Lạc mong mỏi tự do trên vòm trời quê hương lộng gió. Đó là hoài bão thôi thúc của những bước chân Việt Nam rộn ràng trên con đường nhân bản, đi dựng lại tình người trên tổ quốc thân yêu…” ” Lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam là hướng đi được thể hiện bởi những hành động từ Tâm Thức từ trái tim, việc làm được thúc đẩy bởi tình yêu và bác ái, bằng lý trí để biết nhận diện chính xác nguyên nhân của những khổ đau trên quê hương góp phần giải quyết rốt ráo gốc rễ của những khổ đau đó…”
Ước mơ của tuổi trẻ Việt Nam còn nhiều lắm, nhưng mỗi người hiện diện không chỉ nghe sự mơ ước của tuổi trẻ Việt Nam qua lời tâm sự của cô Trần Thị Thiện Tâm, mà còn say sưa lắng nghe từng tiếng hát, tiếng đàn của Phan Văn Hưng. Anh hát liên tục nhiều bài, bài Thằng Bé Tát Dầu làm nhiều người rơi lệ. Hưng nói mỗi bài hát là một câu chuyện, tất cả đều là chuyện thật xảy ra ở xã hội Việt Nam, 2 đứa nhỏ đi tát dầu đem về bán độ nhật. Rồi một hôm thằng anh bị bắn chết, thằng em ôm xác anh vào lòng. Những giọt máu đứa anh chan hòa với nước mắt thằng em. Đây là chuyện thật về hai đứa cháu của người bạn của Phan Văn Hưng. Hay câu chuyện về bài hát Sinh ra làm người Việt Nam diễn ra như thế này: anh có trang nhà trên mạng lưới, người trẻ trong nước nghe nhạc và viết thư cho Phan Văn Hưng. Một bạn trẻ viết, người nhà rầy con tại sao lo học suốt ngày, ở Việt Nam nếu không học thì làm gì? Nhưng học xong cũng không có việc làm, công việc để dành cho con ông cháu cha. Rồi thanh niên này hỏi: Tại sao cháu phải sinh ra làm người Việt Nam, sao không sinh ra ở xứ khác!
Phan Văn Hưng hát liên tục theo lời yêu cầu của khán giả. Trái tim tôi là bến, Nếu em nghe bài hát này. Bậu, bài ca cho bé Thảo, chuyện có thật của một gia đình nghèo, một em bé nằm ở chiếc võng, rớt xuống, được chở vào nhà thương, không có bác sĩ, bác sĩ vào trại cải tạo hết rồi, cha mẹ đợi bác sĩ từ sáng đến chiều. Sau đó được một cái toa đi mua thuốc chợ trời vì bệnh viện không có thuốc. Cha mẹ nghèo không tiền, khi bà con hàng xóm góp được tiền mua thuốc đem về em đã chết. Người cha lấy cây đàn đóng chiếc hòm nhỏ cho con, chở trên chiếc xe đạp. Người mẹ đi theo sau ôm quan tài để khỏi rơi xuống đất. Câu chuyện thật nào cũng làm cho người nghe nao núng và rơi lệ.
Phan Văn Hưng viết nhạc, làm báo, hoạt động với Tổng Hội Sinh Viên ở Paris, xuất bản báo Nhân Bản, năm đó làm báo Xuân có người gửi đến bài Thằng Bé Tát Dầu, đọc xong anh xúc động. Vợ anh là Nam Dao viết lời, Phan Văn Hưng phổ nhạc, tác giả bài báo là Nguyễn Song Pha. Đến một hôm trong khán thính giả nghe Phan Văn Hưng hát, có một viết thư xin bài hát, người làm nhạc và người viết truyện không gặp nhau cho đến mười mấy năm sau, một phái đòan đến từ Paris sang Úc họp, một đồng hương ngồi gần nói với Hưng: Ông có nhớ tác giả bài Thằng Bé Tát Dầu không? Người viết tự giới thiệu là Nguyễn Song Pha tức kỹ sư Nguyễn Ngọc Đức, Tổng Thư Ký Liên Minh Việt Nam bây giờ.
Người cùng lý tưởng đâu cần gặp nhau vẫn gần nhau, gần nhau trong tư tưởng, gần nhau trong sự tranh đấu cho một quê hương hết nghèo đói, hết khốn khổ. Phan Văn Hưng nói ngày xưa Trịnh Công Sơn là thần tượng của Phan Văn Hưng, nhưng sau 1975 Phan Văn Hưng không bao giờ nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì bị phản bội. Nhạc của Trịnh Công Sơn cho vào thùng cho đến ngày gần đây nghe lại, thì Trịnh Công Sơn là xã hội Việt Nam bây giờ, bây giờ lại thê thảm hơn, đói rách lầm than, áp bức, tù tội, trẻ thơ phạm pháp để kiếm sống, v..v…
Nhạc Phan Văn Hưng có sức thu hút con người, nhạc Phan Văn Hưng đem niềm tin đến cho mỗi người, nhạc Phan Văn Hưng là nhạc đấu tranh, nhạc của quần chúng, người nghe xong cảm thấy phải làm cái gì đó cho Việt Nam thoát nghèo đói đau thương. Anh thất vọng về Trịnh Công Sơn, có lẽ nhiều người cũng thất vọng như thế. Khán giả say sưa nghe Hưng hát đến gần nửa đêm, nếu ở khuôn viên đại học hay ở nhà riêng có lẽ buổi hát nhạc sẽ kéo dài tới sáng.
Mong nhạc Phan Văn Hưng phổ biến rộng rãi hơn khắp nơi trên thế giới, nơi nào có đồng bào Việt Nam. Phan Văn Hưng cũng công nhận mình kém tiếng Việt, vì từ nhỏ học chương trình Pháp nhưng nhờ Nam Dao người bạn đời đã viết lời nên mới có những sáng tác để mọi người thưởng thức.
Kiều Mỹ Duyên