Bạn đã bao giờ gặp tình huống này chưa: Để lảng tránh giải thích cho bạn về một vấn đề nào đó, về một hiện tượng tiêu cực, về một sự khuất tất hay một bất công nào đó, người ta trả lời bạn: “Cái nước mình nó thế, đừng có hỏi!”?
Đã bao giờ bạn đưa phong bì cho giáo viên, và thay vì dằn vặt xấu hổ, bạn tự nhủ : “Cái nước mình nó thế”, rồi cảm thấy thanh thản ?
Tôi giả định rằng bạn đủ nhận thức để hiểu cái nước mình nó thế là nó như thế nào, nên không luận giải về điều đó ở đây. Tôi chỉ muốn đề cập tới, một cách chưa đầy đủ, thái độ nào có thể có đằng sau câu nói đó. “Cái nước mình nó thế” là một mệnh đề tiêu biểu cho sự bất lực, cho sự đầu hàng vô điều kiện, sự nô lệ cho hoàn cảnh và nô lệ cho chính mình. Mệnh đề này thể hiện sự kìm kẹp, sự trói buộc từ bên trong của mỗi cá nhân, hậu quả của sự trói buộc dài hạn từ bên ngoài. Và nó cũng thể hiện sự lảng tránh trách nhiệm. Để tránh hành động, để chấp nhận cái xấu, cái ác, cái tồi tệ, nhưng đồng thời để tránh phải chịu trách nhiệm về cái xấu, cái tồi tệ và cái ác, người ta nói với bạn: “Cái nước mình nó thế”.
Tiếp tục đọc →